Logo
Trang chủ
Chương 27: Thủy thần 5

Chương 27: Thủy thần 5

Ông cụ lại tiếp tục nói, giọng sắt thép:

-Còn con đồng cốt nửa vời này, mày mà Tự kỉ ám thị thì tao tát vỡ mặt mày ra cho mày tỉnh. Thánh còn đi lo việc đại sự quốc gia, không phải cứ mày rảnh, mày gọi là giáng về để phán truyền. Mỗi ngày có bao đứa đồng cốt như mày gọi, dù Thánh có thương tình mà về thì phân bao nhiêu thân mới đủ cho chúng mày kiếm tiền.

Chợt có tiếng cười ré lên rợn hết tâm trí, cái tiếng cười y hệt như khi tôi kéo Mỹ Phượng dưới hồ nước lên. Cô thầy cúng ngã vật ra chiếu, mơ mơ hồ hồ, kêu đau đầu, tay vỗ bồm bộp lên trán. Ông cụ hỏi người nhà:

-Nhà chị cúng cái gì?

-Con cúng lễ tạ hết hạn sông nước cho đứa con trai.

-Chị cho tôi xin ngày sinh tháng đẻ thằng bé.

Rồi ông cụ lướt đốt tay như người ta đẩy bàn tính, miệng lẩm bẩm đọc thơ:

Chính Thất, sơ sinh Tị Hợi thì
Nhị Bát, Thìn Tuất bất thậm nghi
Tam Cửu, Mão Dậu đinh thượng vị
Tứ Thập, Dần Thân kỷ định kỳ
Ngũ đồng Thập Nhất, Sửu Mùi thượng
Lục đồng Thập Nhị Tý Ngọ chi.

Nếu tôi không nhầm thì là bài phú tính trẻ phạm giờ quan sát trong Tử vi ảo bí của Việt Viêm Tử. Rồi ông cụ hỏi:

-Thế thằng bé đâu?

-Dạ nó hết hạn rồi, cũng hiếu động không thích ngồi lễ nên chắc đang theo mọi người sang thoi bắt cáy ạ.

Mặt ông cụ biến sắc, ông run run đẩy lại đốt tay rồi nói:

-Nó đã hết hạn sông nước đâu. Có phải đúng cái thằng ngày xưa đẩy xác chết trôi không? Đi tìm nó lôi về ngay. Cúng khấn cái gì nữa!

Thấy tiếng ông cụ nói như sắp khóc, sắc mặt buồn xa xẩm tối tăm, bà mẹ cũng cuống cuồng đứng dậy, xỏ dép đi tìm con. Chợt có một cô người vẫn lấm lem bùn đất, chạy thình thịch lại chỗ bà mẹ:

-Con chị chết đuối được người ta vớt lên để ở thoi đất giữa sông kia rồi.

Bà mẹ ngã vật ra khi nghe tin sét đánh. Tôi rùng hết mình, mạng người sao lại vô thường thế. Mọi người xung quanh nháo nhác, chạy ra chạy vào toán loạn hết lên. Bác Quản trang chạy về gọi bố đứa bé cùng người nhà, ông cụ với tôi đưa bà mẹ chết ngất kia vào chiếu nằm, dọn bớt đồ đang bày ra trên chiếu cho có không khí mà thở, cô báo tin ấn huyệt, cạo gió. Còn cô thầy bói, tôi cũng chẳng để ý, một lúc thấy lảng đi đâu mất. Bờ sông vắng yên bình chợt ngập tràn tiếng đau khóc, sự tang thương.

Người nhà cậu bé tính bó chiếu mượn thuyền đưa về nhưng ông cụ không đồng ý:

-Các anh cứ làm như mai ra hàng mã, mua cái cầu, cúng mấy câu là linh hồn thằng bé về nhà được. Thế người ta bắt nó xuống làm gì. Các anh nghe tôi, cầm đồ sang rửa, thay mặc cho thằng bé rồi cho vào áo quan luôn, rắc tiền đẩy bè về rồi mới cho về nhà được. Các thứ còn lại tôi lo, tội vạ đâu tôi chịu. Nếu sau này có người vẫn mơ thấy thằng bé mộng về kêu khóc đói rét chưa được lên bờ, cứ lên mà đáp c... ứt vào nhà tôi.

Mọi người thấy cụ nhiệt tình, lại là bậc đức kính trong làng nên nghe theo. Cái khung cảnh quan tài nằm trên bè gỗ trên sông, trong hương khói, người cắm sào đẩy bè, người rắc tiền vàng bay theo làn gió, bập bềnh sóng nước thật ám ảnh. Buổi chiều hôm ấy tâm trí tôi cứ tản mác, buồn buồn. Ai gần sông nước đều hiểu sự tàn khốc của sông nước. Những cái bẫy của tự nhiên như xoáy nước, hẫng nước, hố thụt âm thầm trong vô hình mà con mồi không ai khác chính là con người. Ông nào chết hụt có người tóm được lên đều cảm giác như phúc phần bao đời của Tổ tiên là để dành lại phần mình. Còn cái bóng đen nữa! Cái bóng đen cười ré lên nhờn nhợt kia hóa ra không đơn giản như những gì sư trụ trì chùa Đàn kể. Thực ra nó là ai? Sáng giờ lại thấy ngổn ngang tin nhắn của Mỹ Phượng trách tôi sao không thấy đi làm hay là tìm cớ trốn chạy nó. Chắc con bé lại lên trường học tìm tôi. Tôi nhắn tin lại:

-Mai anh về thì lên.

Cũng chẳng phải yêu đương gì mà tôi sợ, một nỗi sợ vô hình. Tôi cũng chẳng phải anh hùng có siêu năng lực gì nên muốn thi thoảng có thể nhìn thấy cô bé, dặn dò cho an tâm mà thôi. Một buổi chiều căng thẳng tâm trí nên tối tôi về ngủ sớm và có một giấc mộng thật dài.

Thấy mình lại tìm ra bờ sông, khung cảnh có chút đổi thay, trong lành, thanh lặng hơn như không hề có dấu vết của con người. Thứ ánh sáng dịu lành, kỳ ảo đem sự sống xuyên qua đám mây phả xuống dòng sông. Chợt thấy mặt nước dậy sóng, một con vật to lớn dáng người giữa dòng sông trồi lên, bước đi ầm ầm vào bờ. Màu bùn đất phù sa trôi chưa hết nên cũng không biết hình thù của nó thực sự như thế nào, chỉ thấy bàn tay to có lấp lánh vẩy cá, bám vào cái cây bên sát mép nước để lên bờ. Chính là cái cây mà ông cụ trong Hội đồng làng nhắc. Nó bước đi đến đâu, cỏ cây hoa lá mọc đến đó, tươi tốt rực rỡ. Nhấc gót chân cũng lại tạo luôn cái chết héo hon như khô hạn. Con vật bước được vài bước thì bị một trận đồ Cổng chữ Khai 开 khổng lồ quây vòng tròn từ trên trời lao xuống khóa lại. Con vật gầm lên giận dữ tìm lối ra. Nhưng mỗi khi nó bước vào một cánh cổng mở thì một trận đồ mới tương tự lại xoay vòng lặp lại, cũng có những cánh cổng tưởng mở mà không mở, có chốt ngang chân trong mờ ảo mây khói, làm con vật vấp ngã trong đau đớn. Vòng lặp lại xoay. Có những chỗ trên mặt đất thì như kim châm xuyên vào thấu buốt da thịt. Con vật gào thét trong ma trận không lối thoát ấy. Có tiếng cười ré lên trong không trung, một cái bóng đen nhờn nhợt dáng người xuất hiện. Cùng lúc ông cụ trong Hội đồng làng cũng không biết từ đâu Áo the khăn xếp đen bước đến. Tiếng ông cụ mạnh mẽ, dõng dạc:

-Vốn là người phương Bắc, chết đất phương Nam, nay bày trận gông cùm, xiềng xích thần thú phương Nam. Thử hỏi nó chỉ mang đến sự sống chứ có tội tình gì? Nay ta dùng chính trận pháp phương Bắc phá đồ trận phương Bắc cho ngươi tâm phục khẩu phục.

Bóng đen lại phá lên tiếng cười, ông cụ nhặt mấy hòn đá rồi bước vào trận pháp, muội lửa bên trong vòng tròn trận pháp chữ Khai 开 đã hiền hiện. Nói qua một chút về trận pháp của bóng đen phương Bắc. Nó là một trận pháp ngũ hành có tên Thập nhị Đô thiên môn Thanh trận. Gồm mười hai cổng chữ khai 开 xếp tạo hình như Bát quái nhưng là một dạng biến thể phát triển hơn của Bát quái, tạo nhiều mặt cạnh hơn mang giống như tính chất kim cương, khó mà có thể dùng ngoại lực từ bên ngoài tác động mà phá vỡ. Có 6 cổng chữ Khai mất chốt hay còn gọi là khai mở (Tưởng không khai mà khai) 6 cổng chữ Khai đóng (Tưởng khai mà không khai).
Ba cổng có chốt ngang chân thường xếp cạnh nhau và chia cặp đối diện hai bên, mờ ảo trong mây khói, khi bước tới thì tạo hình vấp ngã, gây suy yếu vật giam bên trong. Mỗi lần như thế vòng tròn lại quay không thể lấy dấu. Sáu Cổng mở thì có 5 Cổng mở ảo, mỗi lần vào sai vòng tròn lại quay xóa dấu. Chỉ có một đường Sinh duy nhất ở Cổng mở số 3 được trấn bằng 12 cây kim xếp hình sao Ngư dẫn đường (không tính kim mồi nhử, đánh lạc hướng bên ngoài) đầu Ngư đưa ra Cổng số 2 đuôi Ngư vẫy ra hai Cổng 3,4. Khi đến gần Cổng sinh, lỗ kim sẽ tạo đau đớn cho vật giam khiến nó chùn bước.

Trận pháp mang đủ yếu tố ngũ hành: Cổng gỗ tính Mộc, lỗ kim vừa là lời giải, vừa mang tính khiêu khích cho người phá trận tính Kim, mặt đất mang tính Thổ, con vật giam khổng lồ từ sông lên mang tính Thủy, muội lửa vừa hiện lên là do mệnh người chấp nhận trận pháp mang tính Hỏa hoặc người bày trận mang tính Hỏa khai lửa. Khi đó trận pháp Thập nhị đô thiên môn mới chính thức khởi động, vào thế thực chiến. Tôi đang đắn đo xem Hỏa kia là của ai? Thế trận này 12 chữ Khai 开 nhỏ đóng gông một chữ Khai 开 lớn lên tâm trí con vật, vỏ ngoài cứng như kim cương, dù là bậc thần tiên mang Long hình ra quẫy, bóp nghẹt e cũng khó có thể phá. Bên trong thì hầu như không có mấy hy vọng, đến khi tính đủ Kim thấy lối ra, con vật cũng đau đớn mất hết sinh khí mà sống đời tàn tạ. Đứng ngoài xem mà lòng thấp thỏm. Ông cụ định lấy gì mà phá thế đây. Con thú trong thì lành quá chẳng thấy có năng lực gì.

Quay lại truyện Bạn gái tôi lớp 8
BÌNH LUẬN

Phuong Tran

Trả lời

2024-04-09 09:24:31

Kể chuyện lan man , bố cục truyện ko rõ ràng