Logo
Trang chủ
Chương 25: Thủy thần 3

Chương 25: Thủy thần 3

Sắc trời đã chuyển chiều, anh Kĩ thuật trưởng về qua khu đô thị mới mà anh Cường và thằng Toàn đang cho thi công, tiện thể bàn chuyện bóc tách công việc cảng nước cho cụ thể. Bãi tha ma à nhầm giờ phải gọi là nghĩa trang mới còn lại mình tôi. Tôi giữ lại một vài thợ kê gạch, cốp pha làm cầu dẫn cho mọi người qua lại, cũng là để chờ đám sang áo kia xong đường sá có sứt sẹo gì thì mình cho người vá lại luôn. Người nhà của cậu bé được sang áo đã đến, thợ chuyên "cuốc nấm chuyển quan" cũng đã mang đồ nghề vào ngồi chờ giờ. Điều tôi thấy ngạc nhiên nhất là thầy cúng làm lễ cho đám. Đó là một ông cụ dáng người quắc thước, khổ hạnh, ánh mắt cương trực, áo the khăn xếp màu đen. Bác Quản trang kéo áo chỉ tay, bảo tôi rằng ông cụ ấy là một trong hai cụ cuối cùng còn lại của Hội đồng làng.

Hội đồng làng là một tổ chức nghe có vẻ lạ, nhưng thực ra là quen. Những ngôi làng giàu truyền thống, có lịch sử lâu đời thì thường có Đình thờ Thành hoàng và Hội đồng làng. Có việc cần kíp, hệ trọng thì các cụ trong Hội đồng bàn bạc "Động đình" xin ý Thành hoàng rồi theo Lệ làng mà làm. Đa phần các cụ đều là người thông tuệ, biết chữ Nho, am hiểu Tử vi lý số, Tử bình, Lịch pháp và rất coi trọng thanh danh làng. Thời xưa Lệ làng rất mạnh, ai cũng đã từng đôi lần nghe qua câu: "Phép vua thua Lệ làng". Vua còn phải nể trọng vì những lễ tế Nam giao hình thức cổ và tương đối khác biệt so với triều Nguyễn, vua nước Nam lập đàn, mở cánh cổng giao thoa trời đất xin thần linh cứu cơn "Nước đỏ hồng thủy" hay lúc "Nhập phục khô hạn", người cầm sớ chắp tay đứng góc đàn linh ứng nhất chẳng phải thầy tu lão pháp mà là các cụ trong Hội đồng làng. Theo thời gian, các cụ trong Hội đồng mất đi trong khi những người thực sự đủ tâm đủ đức đủ tài kế nhiệm thì không có. Thời buổi làm ăn kinh tế, lối sống bản thân vị kỉ cũng chẳng còn ai hứng thú với việc thổi tù và hàng tổng, lo chuyện bao đồng này nữa. Được nhìn thấy cảnh này cũng là may mắn hiếm hoi cho thế hệ bọn tôi. Cách cúng khấn ngắn gọn, đơn giản nhưng đầy đủ lễ nghi cổ. Trông như rẽ mây xuống nắng, toát ra cái uy thực sự của người Giữ thức gọi thần. Nó không bị ám mùi ma ma quỷ quỷ, mù mờ tăm tối trong mịt mù hương khói đau khóc đám thầy bà công nghiệp, đồng cốt nửa vời hay làm.

Làm lễ xong, không hiểu sao ông cụ đã biết chuyện xây cảng, ra chỗ bác Quản trang hỏi. Bác Quản trang tiện thể giới thiệu tôi luôn:

-Đây, cụ hỏi cháu này là rõ nhất.

Ông cụ hỏi đến đâu tôi cũng đều thành thật trả lời không chút toan tính. Ông cụ thở dài:

-Tôi lo con rắn có biết đường mà chạy đi không hay các cậu lại được bữa băm chả. Mà thôi đất hoang hóa mãi cũng có lúc phải dùng, để vậy thì nó cũng chỉ là đất chết. Mong thầu bè êm xuôi, xây dựng ổn định xong có thêm công ăn việc làm cho bà con. Hai anh đi với tôi. Tôi có việc muốn nhờ.

Rồi ông cụ chắp tay sau lưng đi, qua cái cổng thép gai đã mở sẵn, hướng ra hướng bờ sông. Tôi cùng bác Quản trang cũng nhanh chân bước theo. Ra sát mép nước bờ sông, ông cụ chỉ vào một cái cây rồi bảo:

-Sau này xây dựng, nếu được thì các anh chừa lại giúp cho cái cây này. Mà có khi thôi không cần, cũng chẳng để làm gì nữa rồi.

Chợt thấy hơi kì lạ. Đó là một cái cây gỗ thân nhỏ thưa lá nhưng cao vượt đầu người, dáng thế cong như bị gió đẩy vào trong. Quanh thân cây dây leo, tơ hồng vương vấn, bọ dừa, cánh cam con bay con đậu. Trông cái cây thấy nó quen quen nhưng cũng chẳng biết tên gọi là gì. Ông cụ nhìn chăm chú ra cái gò đất được phù sa bồi đắp giữa sông. Nước đang lúc rút nhiều chỗ trơ đáy sông, vài ba cái tàu lẻ loi nằm im giữa luồng chờ con nước. Tiếng người ta mò hến bắt cáy ý ới. Giữa dòng sông nước lúc kì ảo, ông cụ chợt nổi hứng, kể lại chuyện xưa tích cũ đậm sắc Việt về Vua cha Bát hải và cậu học trò Giao long của thầy Chu Văn An.

Theo tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam việc thờ Tam tòa tứ phủ cũng song hành gắn liền với việc thờ bốn vị Vua cha. Các Đức Vua cha gồm Vua cha Ngọc hoàng (vua trời), Vua cha Bát hải (vua nước), Vua cha Diêm vương (vua đất), Vua cha Nhạc phủ (vua thượng ngàn).

Vua cha Thiên phủ - Ngọc hoàng thượng đế:
Trong đạo Mẫu của Việt Nam, Ngọc Hoàng được gọi là Vua cha Ngọc Hoàng, là cha của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, là đấng thần chủ tối cao. Là vị Thánh cao nhất trong đạo Mẫu nên Ngọc Hoàng thượng đế thường có ban thờ riêng trong các đền và phủ.
Dù điển tích về Vị Vua cha này rất ít, thường mang tính chất chung chung nhưng đối với người dân quê Việt Nam, Ông trời không phải là một vị thần trừu tượng, ông được coi như một con người, vua của các vị vua, là nguồn gốc của sự sống và mọi lẽ công bằng. Sức mạnh tối thượng của Nhân quả báo ứng, Đối chứng âm dương thì những người có tuổi trải đời đều thấu hiểu.

Vua cha Diêm Vương:
Vua cha Diêm vương còn gọi là Địa phủ Thánh đế Thập điện Minh Vương tòa Chương Địa Phủ là vị Vua cha gắn liền trong tín ngưỡng tam tứ phủ, ngài cai quản miền đất. Chính vì vậy Phán quan địa phủ trong cõi nhân gian có tầm hoạt động rất rộng.

Vua cha Bát hải Động Đình:
Theo thần tích của đền Đồng Bằng, vào thời Vua Hùng, có hai vợ chồng họ Phạm và họ Trần bắt gặp một cô gái nhỏ bên sông. Họ đã nhận cô bé về làm con, đặt tên cô là Quý Nương.

Năm Quý Nương 18 tuổi, cô ra sông tắm có con Hoàng Loang quấn chặt lấy người cô. Chẳng biết tam sao thất bản, kinh sử mai một là Hoàng Long hay Hoàng Nhân Thẩm (Hoàng Loang). Nhưng tôi thấy nếu là chữ Loang xưa của các cụ cũng rất hay. Loang mang nghĩa gốc là Nhân Thẩm. Chữ Nhân có thủy thổ hợp thành mà ra chữ tắc, là dòng phù sa lắng đọng bồi đắp. Chữ Thẩm mang nghĩa nước mưa thấm đất. Hoàng Loang là ý trời cho sự sống tinh hoa của sông nước thấm vào cơ thể. Quý Nương có thai và sinh ra 1 cái bọc. Từ bọc sinh ra 3 con rắn. Hai con bỏ đi, một con chui xuống giếng nước đền Đồng Bằng.

Khi giặc Thục sang xâm chiếm nước ta. Vua Hùng lập đàn cầu trời được thần linh mách bảo về nơi Đền Đồng Bằng mà triệu thì sẽ có dị nhân đứng lên giúp đánh tan quân thù. Khi Vua Hùng bước chân đến giếng đền Đồng Bằng, Hoàng Xà liền hiện ra và biến thành một chàng trai lực lưỡng, tuấn tú hơn người. Người thanh niên nhận chỉ dụ của Vua Hùng, sau đó triệu 2 em (hai con rắn còn lại trong cái bọc Quý Nương sinh ra) cùng mười tướng. Sau khi triệu tập quân sĩ đã xuất quân và đánh tan quân Thục trên cả 8 cửa biển chỉ trong vòng 3 ngày. Ngài có tên là Vĩnh Công, sau này được Vua Lý Thánh Tông phong là Vĩnh Công Đại Vương Bát Hải Động Đình. Vì thế dân gian gọi ngài là Vua Cha Bát Hải Động Đình.

Dù thần tích có phần thêu dệt hơi quá nhưng Vĩnh Công Đại Vương và 10 tướng đều là người có thật. Những ai đọc và hiểu được những kí tự trên trống đồng Đông Sơn thì sẽ rõ ông cha ta thời ấy đánh bản đồ biển bá như thế nào. Con trăng dòng nước thuộc như lòng bàn tay cũng không thẹn cái danh Đứa con biển cả. Sử cũ Tàu cũng từng thừa nhận, dân Văn Lang xưa ngày thường nóng tính cục súc hay bất đồng gây gổ, đánh chửi nhau nhưng khi có chuyện thì lại rất đoàn kết. Tóc tai chẳng theo lề lối, người cắt ngắn, kẻ lại để dài buộc như đàn bà, hay cởi trần, xăm trổ, giỏi chuyện sông nước.

Vua cha Nhạc phủ Tản Viên Sơn Thánh:
Vua cha Nhạc phủ là một vị thần tối linh trong Tứ bất tử của Việt Nam, là Tản Viên Sơn Thánh. Đức Thánh Tản là cha của Mẫu Thượng Ngàn La Bình công chúa. Trong Tứ bất tử thì Tản viên Sơn thánh là vị đứng đầu, ngài còn được phong là Nam Thiên Thánh Tổ.

Quay lại truyện Bạn gái tôi lớp 8
BÌNH LUẬN

Phuong Tran

Trả lời

2024-04-09 09:24:31

Kể chuyện lan man , bố cục truyện ko rõ ràng